Tin tức

Các chỉ báo kỹ thuật chứng khoán quan trọng mà NĐT không nên bỏ qua

06/11/2023 1:51:44 CH

Chỉ báo kỹ thuật là một trong những công cụ kỹ thuật không thể bỏ qua để nhà đầu tư theo dõi thị trường chứng khoán, nắm bắt, xác định được điểm mua, điểm bán cũng như dự đoán được xu hướng trong tương lai.

Tuy nhiên, chỉ báo kỹ thuật chứng khoán là gì, cách thức hoạt động thế nào, có những loại chỉ báo kỹ thuật nào thì không phải ai cũng nắm rõ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu sâu về công cụ kỹ thuật này, cùng theo dõi nhé!

Chỉ báo kỹ thuật chứng khoán là gì?

Chỉ báo kỹ thuật hay Indicator là những công thức tính toán hay dự báo giá dựa trên các thông số trong quá khứ như giá, khối lượng hay nhu cầu mua bán của một cổ phiếu.Một chỉ báo kỹ thuật thường được hiển thị bằng đồ thị và được so sánh với biểu đồ giá tương ứng để phân tích.

Chỉ báo kỹ thuật là công cụ giúp nhà đầu tư theo dõi thị trường chứng khoán

Các chỉ báo kỹ thuật chứng khoán hoạt động thế nào?

Chỉ báo kỹ thuật hoạt động như một công cụ tính toán dựa trên việc lấy các dữ liệu thô về giá, khối lượng, lãi suất mở để thao tác với các mô hình toán học. Sau đó ra kết quả là đường biểu thị. Đường biểu thị có thể là đường thẳng, đường đứt nét hoặc các mũi tên nhấp nháy.

Các chỉ báo kỹ thuật chứng khoán thông dụng

Hỗ trợ và kháng cự

Hỗ trợ và kháng cự là các vùng giá mà tại đó xu hướng được kỳ vọng sẽ đảo chiều hoặc di chuyển chậm lại trước khi tiếp tục xu hướng và hành vi đó có khả năng sẽ lặp lại trong tương lai.Hỗ trợ là vùng giá mà tại đó xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ đảo chiều tăng. Tại vùng này, lực mua sẽ chiếm ưu thế hơn so với lực bán.Kháng cự là vùng giá mà tại đó xu hướng tăng được kỳ vọng sẽ đảo chiều giảm. Tại vùng này, lực bán sẽ chiếm ưu thế hơn so với lực mua.

Cụ thể, khi giá đi lên và giảm, vùng giá cao nhất trước khi tiếp tục xu hướng tăng được gọi là vùng kháng cự. Khi giá điều chỉnh giảm và bật tăng, vùng giá thấp nhất trước khi tiếp tục xu hướng tăng gọi là vùng hỗ trợ.Ngược lại, trong xu hướng giảm, các vùng hỗ trợ - kháng cự cũng được thiết lập khi giá dao động theo thời gian.

Đường phân kỳ hội tụ trung bình động MACD

Trên biểu đồ chứng khoán, các đường EMA xoay quanh đường 0 và có thể cắt nhau, phân kỳ hay hội tụ. Đường phân kỳ hội tụ trung bình động Moving Average Convergence Divergence có giá trị bằng đường trung bình động hàm mũ EMA 12 kỳ và đường EMA 26 kỳ. Do đó, MACD cho thấy mối quan hệ giữa hai đường trung bình động của giá chứng khoán.

Đường MACD có màu “xanh lam” và thường đi cùng với đường EMA 9 ngày – “đường tín hiệu – signal line”. Nếu MACD nằm ở trên đường tín hiệu thì phân kỳ dương xuất hiện, giá đang vận động theo xu hướng tích cực. Ngược lại, nếu MACD nằm ở dưới, phân kỳ âm xuất hiện, xu hướng vận động của giá ở trạng thái tiêu cực.

Đường phân kỳ hội tụ trung bình động MACD

Chỉ báo khối lượng giao dịch cân bằng (On-Balance Volume - OBV)

Chỉ báo khối lượng cân bằng (OBV) giúp nhà đầu tư đo lực mua và lực bán của một chứng khoán theo thời gian. OBV sử dụng sự tăng, giảm của khối lượng để dự đoán những thay đổi trong giá cổ phiếu.

Đây là loại chỉ báo đo lường khối lượng giao dịch và có tính lũy kế. Cụ thể, nếu vào những ngày giá tăng lên, khối lượng của ngày hôm đó sẽ được cộng vào tổng OBV.

Ngược lại, nếu giá giảm, khối lượng của ngày đó được trừ khỏi tổng OBV.Nếu giá không đổi so với ngày hôm qua thì OBV không đổi. Khi khối lượng những ngày giá tăng đi nhanh hơn những ngày giá giảm, giá trị OBV sẽ tăng và ngược lại.Khi OBV tăng, nó cho thấy lực mua tăng và giá sẽ được đẩy lên cao hơn. Khi OBV giảm thì lực bán tăng và giá giảm xuống thấp hơn.

Với nguyên lý đó, OBV hoạt động giống như một công cụ xác nhận xu hướng. Nếu giá và OBV đang tăng, điều đó giúp chỉ ra sự tiếp tục của xu hướng.

Các nhà giao dịch sử dụng OBV cũng theo dõi sự phân kỳ. Sự phân kỳ xảy ra khi chỉ báo và giá đi theo các hướng khác nhau.Nếu giá đang tăng nhưng OBV lại giảm, thì có thể xu hướng không được hỗ trợ bởi những người mua mạnh và sẽ sớm có sự đảo chiều.

Đường trung bình động – MA

Đường MA (Moving Average) là đường trung bình động, chỉ báo xu hướng giá cổ phiếu (tăng hoặc giảm hoặc không có xu hướng) trong một khoảng thời gian. Có 3 loại đường MA mà bạn có thể sử dụng, đó là:

  • Đường trung bình động giản đơn Simple Moving Average (SMA) được tính bằng trung bình cộng các mức giá đóng cửa trong một khoảng thời gian nhất định.

  • Đường trung bình lũy thừa – Exponential Moving Average (EMA) được tính bằng công thức hàm mũ. Đường này coi trọng các biến động giá gần nhất nên so với SMA, EMA nhạy cảm hơn với các biến động ngắn hạn, các tín hiệu thất thường.

  • Đường trung bình tỷ trọng tuyến tính Weighted Moving Average (WMA) coi trọng các bước giá có khối lượng giao dịch lớn, quan tâm đến yếu tố chất lượng của dòng tiền.Các đường MA ngắn hạn thường lấy các mốc phổ biến như 10, 20 ngày, trung hạn là 50 ngày và 100 hoặc 200 ngày đối với dài hạn.

Đường trung bình động – MA

Bollinger bands

Bollinger bands – dải Bollinger là đường kỹ thuật chứng khoán được phát hiện bởi nhà đầu tư người Mỹ John Bollinger giúp tìm ra các tín hiệu quá bán hoặc quá mua. Bollinger bands có thể được thể hiện bằng năm đường.Tuy nhiên, để đơn giản hóa, người dùng có thể chỉ cần sử dụng một đường trung bình động đơn giản SMA và hai độ lệch chuẩn dải trên và dải dưới (tích cực và tiêu cực).

Khi dải trên và dưới xích lại gần nhau, đường SMA co lại và tạo ra hiện tượng siết chặt (squeeze). Điều này cho biết chứng khoán đang biến động thấp và được coi là một dấu hiệu của khả năng gia tăng trong tương lai, mang đến các cơ hội giao dịch. Ngược lại, nếu hai dải cách xa nhau thì khả năng biến động sẽ giảm và khả năng cao đó sẽ là thời điểm để thoát khỏi giao dịch.

Ngoài sự siết chặt, nhiều trader cũng quan tâm tới điểm đột phá. Khoảng 90% hoạt động giá xảy ra giữa hai dải. Bất kỳ điểm đột phá trên hay dưới các dải đều là một sự kiện lớn. Tuy nhiên, điểm đột phá không phải là một tín hiệu giao dịch. Nó không cung cấp manh mối về hướng đi và mức độ của sự di chuyển giá trong tương lai.

Chỉ số sức mạnh tương đối RSI

Relative Strength Index – RSI là phát hiện của J.Welles Wilder vào năm 1978 và xuất hiện trong cuốn sách “New Concepts in Technical Trading Systems”. Đường kỹ thuật chứng khoán này là một bộ dao động động lượng đo lường mức độ thay đổi giá của những giao dịch gần nhất. RSI thường được dùng để đánh giá việc mua hoặc bán quá mức ở một mức giá của cổ phiếu hoặc các tài sản tài chính khác.

Để tính RSI, nhà đầu tư tính thực hiện phép chia trung bình giá tăng cho trung bình giá giảm trong khoảng thời gian cụ thể và biểu diễn trên thang điểm được đặt từ 0 – 100. Nếu RSI > 70 được coi là nằm trong vùng quá mua (giá tài sản gần chạm đỉnh), RSI < 30 thì nằm trong vùng quá bán (giá tài sản gần chạm đáy). Nếu RSI ở giữa khoảng 30 – 70 thì nằm trong vùng trung tính.

Với những thông tin trên đây, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về chỉ báo kỹ thuật và biết cách ứng dụng công cụ kỹ thuật này trong quá trình đầu tư chứng khoán.Với hơn 100 chỉ báo kỹ thuật, FiinTrade là “trợ lý đắc lực” cho nhà đầu tư trong quá trình phân tích dữ liệu và đầu tư. Để trải nghiệm miễn phí 14 ngày FiinTrade với đầy đủ các tính năng ưu việt, mời anh/chị nhà đầu tư đăng ký tại đây.

Nguồn: FiinTrade